THƯ GỞI CHA MẸ HỌC SINH VÀ CÁC EM HỌC SINH NHÂN NGÀY 20/11
Lần cập nhật cuối lúc Thứ bảy, 05 Tháng 11 2016 08:11 Viết bởi Đặng Vĩnh Hiếu Thứ năm, 03 Tháng 11 2016 16:26
THƯ GỞI GIA ĐÌNH HỌC SINH VÀ HỌC SINH NHÂN NGÀY 20/11
Kính thưa quý vị phụ huynh!
Người thầy đầu tiên, thậm chí cả đời của các em học sinh, nếu nghĩ tường tận, không phải là nhà giáo chúng tôi mà chính là các thành viên trong gia đình, ở đó cha mẹ là những thầy cô quan trọng nhất với các em. Tế bào của xã hội là gia đình, một xã hội văn minh, tiến bộ phải có các tế bào khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, cha mẹ và người thân trong gia đình hãy vì thế hệ trẻ mà tạo nên một ngôi trường thật tốt ngay tại mái nhà của mình, để các em học sinh hằng ngày được chiêm nghiệm những điều hay, lẽ phải.
Nhân ngày 20/11, chúng tôi muốn gửi đến bố mẹ, quý vị là người thân trong gia đình học sinh và bản thân các em học sinh những tâm sự tận đáy lòng mình:
Kính thưa quý vị!
Thầy cô giáo cũng là con người, sự thông thái, hiểu biết của thầy cô cũng có giới hạn. Việc học sinh cùng thảo luận với nhau dưới sự dẫn dắt của thầy cô, học sinh tranh luận với thầy cô về kiến thức để đi tìm chân lý luôn được ủng hộ và đánh giá cao. Chân lý không thuộc về kẻ mạnh; chân lí không phụ thuộc âm lượng của giọng nói; chân lý không thể tìm ra từ sự ngụy biện; chân lý không đồng hành với sự dèm pha và những nhận xét vô hồn, vì thế thầy cô và các em cứ trình bày trong sự nhẹ nhàng và từ tốn. Ông bà ta nói "Lạt mềm buộc chặt" là vậy. Thầy cô giáo không phải là ông bụt - bà tiên, chỉ biết làm những điều hay và tốt. Gia đình, xã hội và các em học sinh nên bao dung, chia sẻ những nốt trầm nhất định mà thầy cô đã và sẽ có thể vấp phải trong sự nghiệp trồng người. Lòng bao dung bao giờ cũng khó tập luyện hơn tính đố kị, ghen ghét, nhưng mọi người ai cũng có thể tha thứ - như thầy cô hằng ngày đã tha thứ cho học sinh để các em ngộ ra, rồi cải thiện và tiến bộ.
Trên quãng đường học tập ở bậc học phổ thông, việc học sinh thất bại đôi lần là một tất yếu. Vì thế, khi các em nhận một điểm thấp, các em có một hành động chưa đúng chuẩn mực đạo đức, thay vì la rầy, thầy cô và gia đình hãy cảm thông, động viên các em, giúp sức cùng các em vượt qua chính mình, hướng đến điều tốt đẹp. Đại diện gia đình hãy thường xuyên đến trường để cùng thầy cô giáo chủ nhiệm lớp và cùng chính các em học sinh đi tìm lý do của những điều chưa tốt. Tìm được nguyên nhân, chúng ta sẽ cùng các em tìm cách khắc phục và các em rồi sẽ phấn đấu để không lặp lại lỗi lầm.
Các em học sinh thân mến!
Các em học sinh chỉ nên xấu hổ khi có được điểm cao nhưng không phải do sức lao động của chính mình. Các em học sinh hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhận xét và đánh giá sự việc, hãy cân nhắc kỹ trước khi hành động và cũng đừng quá sa đà vào các hoạt động trên mạng xã hội, vào trò chơi online và suy nghĩ chín chắn để không bị cuốn vào các tệ nạn... Không có thành công nào là không trả giá, hạt giống gieo xuống đất phải chịu nắng mưa vùi dập rồi mới nảy mầm, đâm chồi. Thầy cô, gia đình và toàn xã hội vị luôn có niềm tin về sự tiến bộ của các em, các em hãy suy nghĩ và hành động để xứng đáng với điều đó.
Giá trị thật của một người luôn bền vững hơn nhiều so với giá trị ảo, việc giúp đỡ bạn bè trong học tập là tốt, nhưng giúp bạn trong khi làm bài kiểm tra là đồng lõa với cái xấu. Có lẽ các em rất khó khăn khi thực hiện những điều này vì những ánh mắt của bạn bè, nhưng việc tạo ra những sản phẩm không bị lỗi không chỉ là trách nhiệm của thầy cô, của gia đình và xã hội mà còn cả các em nữa. Các em nên biết ủng hộ những điều tốt, như thế cái xấu sẽ cảm thấy cô đơn và bị đẩy lùi, không còn ai cổ súy cho những hành động bộc phát mang tính khẳng định mình một cách vô văn hóa thì tự nó sẽ không còn.
Quý phụ huynh kính mến!
Gia đình hãy cùng nhà trường, thường xuyên khích lệ các cháu biết yêu thương giúp đỡ những người xung quanh, nhất là những người khuyết tật và nghèo khổ vì không phải ai sinh ra cũng được bình đẳng như nhau về sức khỏe, trí tuệ và vật chất. Gia đình hãy nói giúp thầy cô và nhà trường, thuyết phục các em học sinh rằng quà tặng lớn nhất cho ngày 20/11 là biết chăm chú nghe giảng, biết đặt câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề và chủ động làm bài tập. Hãy gieo cho các cháu một tâm niệm: Người thầy hạnh phúc nhất là khi thấy trò thành công; thầy cô luôn lấy hạnh phúc của trò làm hạnh phúc của chính mình.
Tâm lý lứa tuổi cho biết, lứa tuổi 15-18 là lứa tuổi nông nỗi, hiếu động, là tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới"... dễ bị tác động từ bên ngoài, chính vì vậy chúng tôi mong gia đình mình hãy vì tương lai của các em mà vượt qua sự yếu mềm của chính mình, công khai những biểu hiện chưa tốt của các em tại gia đình, hợp tác cùng GVCN, cùng Hiệu trưởng để tìm ra nguyên nhân của những biểu hiện đó và giúp các em tiến bộ.
Nhà trường - nhà giáo chúng tôi sẽ cảm thấy an tâm, vui mừng và tri ân vì có những đồng nghiệp âm thầm và hiệu quả như quí phụ huynh!
Chúng tôi sẽ hạnh phúc khi cảm nhận được sự tiến bộ hàng ngày của học sinh, dù các em rồi cũng sẽ rời xa ngôi trường thân yêu này để tiếp tục học, để tồn tại, hạnh phúc và thành công!
- 26/12/2016 07:02 - Bộ GD&ĐT sẽ loại bỏ các cuộc thi không thiết thực
- 16/12/2016 16:08 - THÔNG BÁO SỐ 15: NGHỈ DẠY VÀ HỌC DO LŨ LỤT
- 15/12/2016 14:14 - NGHỈ HỌC VÀ ĐI HỌC LẠI DO LŨ LỤT(THÔNG BÁO SỐ 13)
- 01/12/2016 21:07 - THÔNG BÁO XIN Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ VIỆC XÉT ĐỀ NGHỊ …
- 25/11/2016 15:03 - Hội thi cắm hoa tươi, làm hoa tự chế chào mừng 20/…
- 31/10/2016 09:14 - GIẤY MỜI DỰ TUYÊN DƯƠNG VÀ KHEN THƯỞNG HỌC SINH ĐỖ…
- 29/10/2016 13:15 - Thời khóa biểu mới, áp dụng từ 31.10.2016
- 27/10/2016 10:27 - CB-GV-NV và học sinh trường THPT Hiệp Đức tham dự …
- 24/10/2016 22:33 - Đoàn trường tổ chức thi đấu bóng chuyền nữ và bón…
- 23/10/2016 17:19 - Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2016-2017