Quy hoạch mạng lưới trường THPT: Thêm nhiều trường mới
Viết bởi Super Administrator Thứ năm, 09 Tháng 7 2015 09:08
Theo kế hoạch của tỉnh, trong thời gian tới sẽ thành lập mới 2 trường THPT và điều chuyển vị trí một số trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của học sinh.
Trường THPT Nguyễn Khuyến đã có chủ trương dời địa điểm ra phía bắc thị xã Điện Bàn. Ảnh: X.PHÚ
Thành lập trường mới
Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, mạng lưới trường lớp, nhất là trường THPT trên địa bàn tỉnh có sự phát triển rất nhanh. Gần như huyện, thị xã, thành phố nào cũng có thêm ít nhất một trường THPT. Ngoài ra, cả tỉnh còn mở được 2 trường THPT chuyên để thu hút học sinh giỏi, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 54 trường THPT và phổ thông cấp 2 - 3. Trong đó, một số địa phương có khá nhiều trường THPT như Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ (mỗi địa phương 5 trường), Đại Lộc (4 trường), Quế Sơn, Núi Thành, Hội An, Duy Xuyên (mỗi địa phương 3 trường). Với mạng lưới trường THPT hiện nay, có thể nói đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân ở khắp vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có thể thấy việc phát triển mạng lưới trường lớp thời gian qua còn nhiều bất hợp lý, không đồng đều giữa các vùng miền. Có nơi tập trung nhiều trường gần nhau, nhưng có nơi lại không có trường khiến học sinh THPT phải đi học khá xa. Thậm chí ở một số địa phương đồng bằng, học sinh cũng phải trọ học vì trường quá xa nhà. Chẳng hạn, cả vùng đông rộng lớn của huyện Duy Xuyên gồm các xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh, kể cả Duy Phước, Duy Thành bao năm qua học sinh phải lên tận Trường THPT Sào Nam hay Nguyễn Hiền để trọ học hoặc đi đò sang học ở Hội An. Hay như huyện Quế Sơn, cả 3 trường THPT tập trung ở 2 đầu còn vùng trung của huyện kéo dài hàng chục cây số lại không có trường. Điều đó vừa làm cho việc học của con em nhân dân gặp nhiều khó khăn, vừa ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng giáo dục. Hoặc vùng căn cứ cách mạng Sơn - Cẩm - Hà của huyện Tiên Phước nhiều năm nay vẫn mơ ước có ngôi trường THPT để con em nơi đây thuận lợi trong việc học hành.
Mong ước suốt nhiều năm của người dân vùng đông Duy Xuyên về một ngôi trường THPT để con em địa phương bớt khổ là hoàn toàn chính đáng. Sau nhiều kiến nghị và cả phương án di dời Trường THPT Nguyễn Hiền về vùng đông (vì hiện nay Trường THPT Nguyễn Hiền nằm cạnh THPT Sào Nam), cuối cùng phương án thành lập trường mới đã được UBND tỉnh đồng ý (Thông báo số 396 ngày 28.10.2014 của UBND tỉnh). Một ngôi trường khác cũng đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương thành lập là Trường THPT A Xan của huyện Tây Giang (Thông báo số 32 ngày 26.1.2015 của UBND tỉnh) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho con em vùng tây của huyện, khỏi phải về trung tâm huyện học như hiện nay. Chủ trương đã có, việc ra đời của 2 ngôi trường này chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, tổng dự toán đầu tư xây dựng 2 ngôi trường này là 30 tỷ đồng và sở đang đề nghị Thường trực HĐND, UBND tỉnh bổ sung, quy hoạch phát triển, ghi vốn đầu tư.
Điều chuyển địa điểm
Một thực tế hiện nay là có nhiều trường THPT quá gần nhau, thậm chí nằm gần như đối diện. Tuy nhiên, đó là do nguyên nhân lịch sử. Trước đây, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa loại hình trường, cả tỉnh đã thành lập 8 trường THPT bán công ở 8 địa phương đồng bằng, gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành. Thời điểm đó, địa điểm xây dựng các trường nằm tại trung tâm huyện, thành phố cũng là hợp lý vì mỗi địa phương chỉ có một trường THPT bán công. Vả lại, trường bán công nằm cạnh trường công lập không có điều gì đáng bàn và phần lớn là tận dụng các cơ sở hoặc trường học cũ.
Thế nhưng, sau khi chuyển đổi loại hình, các trường THPT bán công chuyển sang công lập thì khoảng cách giữa các trường lại trở nên bất hợp lý. Chẳng hạn, ngay tại trung tâm huyện Quế Sơn tồn tại 2 ngôi trường nằm gần như đối diện nhau là Trường THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Quế Sơn, trong khi khu vực vùng trung của huyện gồm các xã Phú Thọ, Quế Cường, Quế Hiệp, Quế Thuận lại không có trường. Huyện Điện Bàn cũng rơi vào tình trạng tương tự khi cả một khu vực phía bắc của huyện rộng mênh mông lại chẳng có trường trong khi cách đó gần 20 cây số có đến 2 trường nằm cạnh nhau là THPT Nguyễn Khuyến và Nguyễn Duy Hiệu. Trường hợp của Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) có khác. Trường nằm cạnh đường sắt nên mỗi lần tàu chạy ngang qua thì học sinh phải... dừng học, lại nguy hiểm đến tính mạng học trò (thực tế đã xảy ra trường hợp học sinh tử vong do tai nạn tàu lửa). Đó là chưa kể trường nằm sau khu dân cư nên bị ô nhiễm khá nặng.
Với những bất hợp lý đó nên vừa qua, tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, Sở GD-ĐT kiến nghị tỉnh cho chủ trương chuyển đổi vị trí một số trường THPT cho phù hợp. Trước mắt, cho chuyển đổi vị trí 2 trường đang có nhu cầu bức thiết nhất là THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) và THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn). Trước đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương di dời Trường THPT Nguyễn Khuyến (Điện Bàn) ra phía bắc của thị xã, cụ thể là lấy cơ sở của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã đồng ý chủ trương cho Sở GD-ĐT lập quy hoạch mạng lưới trường lớp, trong đó lưu ý đến việc quy hoạch, phát triển các trường THPT nhằm đảm bảo yêu cầu học tập của học sinh ở các vùng miền.
XUÂN PHÚ (Baoquangnam.vn)
- 04/10/2023 08:04 - HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM NĂM 2023
- 08/05/2015 17:21 - Chọn nghề cho tương lai
- 09/02/2015 09:16 - Quà của thầy - cô
- 04/09/2014 07:00 - Thư gửi những người trượt đại học
- 09/07/2014 09:26 - Khám phá di tích khảo cổ
- 16/04/2014 16:03 - Vũ Thị Thúy Hòa- đạt giải nhì cấp tỉnh với bài hùn…