Trang chủTIN TỨCBài viếtKhám phá di tích khảo cổ

Khám phá di tích khảo cổ

  • PDF.InEmail

Đưa các di chỉ và hiện vật khảo cổ vào phục vụ nghiên cứu và tham quan du lịch đang là cách làm hiệu quả tại Hội An.

Khám phá

Nhận được thông tin ông Phan Vinh ở khối Bàu Đưng - phường Thanh Hà phát hiện một số mộ chum trong lúc làm vườn, chúng tôi cùng Võ Hồng Việt - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An đến tìm hiểu.

Qua nhiều lần khảo sát để khai quật, Võ Hồng Việt cho biết: "Tại đây xuất lộ 4 ngôi mộ chum hình trụ, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Các hiện vật nằm trong tổng thể cụm di tích mộ táng An Bang, Hậu Xá II, Xuân Lâm, Thanh Chiếm, di tích mộ táng - di chỉ Hậu Xá I của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện cách đây nhiều năm".


images1101008 DU LICH KHAO CO 23
Khảo sát, khai quật mộ táng. Ảnh: QUỐC HẢI

Cùng với các di chỉ kể trên, hiện Hội An có 25 di tích, địa điểm khảo cổ cùng hàng ngàn di vật được phát hiện thuộc các giai đoạn tiền sơ sử như di tích Bãi Ông ở Cù Lao Chàm. Các di chỉ Đồng Nà, Trảng Sỏi, ruộng Đồng Cao, ruộng Rau Muống, chùa Bà Mụ, Lăng Bà, Bãi Làng thuộc giai đoạn Champa.

Nhiều di tích thuộc giai đoạn Đại Việt cũng đã được phát hiện qua các đợt khảo cổ như di chỉ đình Cẩm Phô, đình ấp Tu Lễ, nhà 129 Phan Châu Trinh, nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà số 76/18, 80, 85 Trần Phú, Hội quán Triều Châu, Trường Nguyễn Duy Hiệu, Trường Trần Quý Cáp, Chùa Cầu, nhà 52/2 Phan Châu Trinh và tàu đắm cổ ở vùng biển Cù Lao Chàm.

"Kết quả nghiên cứu đều đã được các nhà khoa học thông tin, giới thiệu trên các tạp chí, các cuộc hội thảo chuyên ngành. Qua đó, giá trị và tầm quan trọng của các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An từng bước được khẳng định và gợi mở những hướng nghiên cứu mới đầy thú vị" - Võ Hồng Việt cho biết thêm.

Bảo tồn

Nhiều năm qua, cùng với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, việc quản lý, gìn giữ các di chỉ, di vật khảo cổ ở Hội An cũng đã được chú trọng đúng mức. Tại Trung tâm QLBTDSVH Hội An hiện có một bộ phận chuyên môn trên lĩnh vực này với đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ, được tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành, đủ khả năng nghiên cứu và giới thiệu các giá trị vô giá của di sản này.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An nói: "Việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích các cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện tốt hơn để bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ đã được thực hiện thường xuyên". Hiện đã có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia là di chỉ Bãi Ông thuộc giai đoạn tiền Sa Huỳnh, có niên đại cách nay hơn 3.000 năm và di tích Bãi Làng, niên đại thế kỷ VIII-X. Năm di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm di tích mộ táng An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II thuộc giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh cổ điển và di chỉ Trảng Sỏi, Lăng Bà Cẩm Thanh thuộc giai đoạn Champa.

Để hạn chế tình trạng xâm hại, nhiều di tích khảo cổ ở Hội An đã được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và trích lục sơ đồ đất. Một số di tích được dựng bia thông tin như Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang và Trảng Sỏi. Cùng với đó, thành phố đã cho phép thiết lập các bảo tàng chuyên đề và biên soạn các ấn phẩm, tập gấp quảng bá giá trị các di tích, di vật khảo cổ. Ngay từ năm 1994, bảo tàng chuyên đề về văn hóa Sa Huỳnh đã được thiết lập với hơn 2.000 hiện vật khảo cổ. Đây là những hiện vật tiêu biểu, khai quật được tại các di tích khảo cổ ở Hội An thuộc văn hóa Sa Huỳnh và giai đoạn Chăm sớm.

Năm 1995, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An cũng ra đời, trưng bày của các hiện vật gốm sứ sưu tập được trong nhân dân và tại các đợt thám sát, khai quật khảo cổ các di tích ở Hội An thuộc giai đoạn Champa và Đại Việt, trong đó đáng chú ý là những hiện vật gốm Chu Đậu trục vớt được từ tàu đắm cổ Cù Lao Chàm và những hiện vật gốm sứ Hizen - Nhật Bản.

Nhiều hiện vật khảo cổ ở Hội An cũng đã được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử - văn hóa Hội An nằm ở phía sau Quan Công Miếu. Ba bảo tàng chuyên đề trên đều nằm trong khu phố cổ Hội An và được đưa vào ô vé tham quan, hằng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. "Thông qua hình thức này, người dân có thể hiểu rõ hơn giá trị của di tích và những quy định của pháp luật về bảo vệ di tích, tạo điều kiện cho du khách và các nhà khoa học tham quan, nghiên cứu" - Phó Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Văn Dũng nói.

Quảng bá, giới thiệu

Ngoài trưng bày bảo tàng, một số hiện vật văn hóa Sa Huỳnh Hội An cũng đã được đưa đi trưng bày theo chuyên đề tại một số bảo tàng lớn trên thế giới như ở Mỹ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc biên soạn, các ấn phẩm giới thiệu các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An cũng được đầu tư. Nhiều đầu sách giới thiệu các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An đã được ấn hành như "Hội An khảo cổ - lịch sử" năm 2003, "Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An" năm 2005, "Cù Lao Chàm: Vị thế, tiềm năng và triển vọng" năm 2006. Năm 2007 xuất bản 2 đầu sách "Di tích danh thắng Hội An" và "Di tích danh thắng Cù Lao Chàm", năm 2010 có cuốn "Nghiên cứu Hội An từ quan điểm khảo cổ". Những di tích, di vật khảo cổ ở Hội An còn được giới thiệu trong nhiều phóng sự truyền hình, phim tư liệu của các kênh truyền hình...

Dù vậy, công tác bảo tồn và phát huy di tích, di vật khảo cổ ở Hội An hiện cũng gặp không ít khó khăn. "Nhiều hiện vật khảo cổ đang xuống cấp, thậm chí có hiện vật đã bị hư hoại, nhất là các hiện vật sắt cần phải được đầu tư phương tiện, thiết bị và cả phương pháp bảo quản phù hợp. Các điểm bảo tàng chuyên đề về di vật khảo cổ chậm được nâng cấp, đổi mới hệ thống trưng bày vừa hiện đại vừa phù hợp với không gian nhà cổ trong khu phố cổ" - ông Nguyễn Chí Trung cho biết. Hiện trung tâm tiếp tục biên soạn các tập gấp, sách giới thiệu riêng cho từng bảo tàng chuyên đề, biên soạn các ấn phẩm giấy và điện tử giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, giá trị đặc trưng của các di tích khảo cổ Hội An để tuyên truyền, giới thiệu. Một việc quan trọng nữa là tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp, trích lục sơ đồ đất và dựng bia cắm mốc, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại, tác động trực tiếp đến tự tồn vong của các di tích khảo cổ tại địa phương.

QUỐC HẢI

Liên hệ Ban Biên Tập

logo

Quản trị Website: Thầy Đặng Vĩnh Hiếu
Điện thoại: 05103.603.072; 0982 883 810
E-mail: dangvinhhieu.thpt@gmail.com

Thống kê

Các thành viên : 2
Nội dung : 315
Liên kết web : 23
Số lần xem bài viết : 891416
Hiện có 26 khách Trực tuyến

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS