Một kỳ thi quốc gia: 2016 thực hiện là tốt nhất
Viết bởi Super Administrator Chủ nhật, 27 Tháng 7 2014 09:49
Với kinh nghiệm chỉ đạo thi 13 năm, GS-TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn còn băn khoăn và lo lắng cho những sai sót có thể xảy ra.khi đặt vấn đề tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2015. Ông đưa đề xuất: "Tốt nhất là thông báo chính thức việc tiến hành một kỳ thi quốc gia từ năm 2016...."
GS-TSKH Bành Tiến Long: Năm 2015 là thời điểm có thích hợp để triển khai một kỳ thi quốc gia hay không phụ thuộc vào việc chuẩn bị cho kỳ thi đến đâu. Lâu nay học sinh lớp 12 thường trải qua 2 kỳ thi quốc gia, nhưng kỳ thi đại học vất vả và hồi hộp hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tôi cho rằng nếu tháng 10 có thông báo chính thức về chủ trương triển khai một kỳ thi quốc gia thì về mặt tâm lý học sinh sẽ không có biến động nhiều lắm. Có chăng thì học sinh sẽ tích cực học và hơi lo lắng hơn một chút. Thầy cô ở phổ thông cũng có dịp tăng thêm lời nhắc nhở mạnh mẽ cho học sinh. Tuy nhiên ngành giáo dục, các trường đại học và dư luận xã hội thì rất lo.Việc ra đề thi cũng tương đối yên tâm vì đã có kinh nghiêm và truyền thống làm 13 năm nay. Tất nhiên chưa đề cập đến việc ra đề thi tích hợp.
Vấn đề quan trọng nhất còn lại là việc tổ chức thi, coi thi và chấm thi được tiến hành như thế nào? Ngoài ra phải xử lý ngay các câu hỏi: Phân chia chuẩn tốt nghiệp ra sao? Làm phần mềm có kịp không? Cơ chế chính sách xét tốt nghiệp và chế độ ưu tiên vận dụng như thế nào? Xã hội và các trường đại học chấp nhận kết quả thi đó đến đâu? Đề án một kỳ thi quốc gia để trình Chính phủ đã chuẩn bị xong chưa....
Tôi hơi băn khoăn về các câu hỏi này và lo lắng cho những sai sót có thể xảy ra. Đương nhiên nếu quyết tâm cao, làm quyết liệt thì vẫn kịp. Còn tốt nhất là thông báo chính thức việc tiến hành một kỳ thi quốc gia từ năm 2016.
Cho dù năm 2008 cũng đã có Đề án, đã họp nhiều lần rồi. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 đã cử giảng viên đại học, cao đẳng tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT là đợt tập dượt để thực hiện chủ trương này đấy chứ. Cái thuận lợi là nhiều cán bộ của Bộ cũng đã tham gia làm thi cử nhiều và "nhúng" vào Đề án đó từ 2007.
Làm thi rất vất vả và nhiều rủi ro
Gộp hai kỳ thi làm một sẽ giải quyết được những vướng mắc gì, thưa ông?
- Giải quyết vướng mắc lớn nhất là đỡ vất vả tốn kém cho mọi đối tượng: Bộ, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và xã hội. Đây cũng là xu hướng tiên tiến, hội nhập quốc tế vì các nước trên thế giới họ cũng chỉ tổ chức một kỳ thi tin cậy và lấy kết quả đó làm chuẩn đánh giá.
Trong hơn một tháng mà tổ chức hai kỳ thi quốc gia là không hợp lý. Về mặt quy trình thì gần như không có gì khác nhau. Vậy thì tại sao 1 kỳ thi được cho là nghiêm túc, 1 kỳ thi lại bị không yên tâm.
Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ công khai rằng, kỳ thi đại học của ta tuy vẫn còn những "hạt sạn" nhưng được các nước rất công nhận, coi đó là kết quả tin cậy: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Thái Lan... rất ghi nhận kỳ thi đại học của ta. Nhưng quan trọng nhất là các trường đại học và dư luận trong nước thì khá yên tâm.
Điều này có thể giải thích như sau: Đối với các trường đại học, kỳ thi tuyển đại học là sự lựa chọn chất lượng "sản phẩm" đầu vào của họ, trực tiếp gắn với vị trí và quyền lợi của từng trường tiếp nối khóa đào tạo này đến khóa khác. Các trường lại tự giác và rất trách nhiệm làm việc này theo Quy chế được ban hành. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lại là "đầu ra" của các tỉnh.
Vẫn còn ý kiến lo ngại, gộp hai kỳ thi làm một không giải quyết được vấn đề cồng kềnh, tốn kém - nếu từng trường ĐH sẽ tổ chức thêm một kỳ tuyển chọn đầu vào nữa? Đây có phải là rào cản dẫn đến một thời gian dài đề án không được nhắc đến không thưa ông?
Nếu từng trường ĐH lại tổ chức thêm một kỳ tuyển chọn đầu vào nữa thì không giải quyết được cồng kềnh, tốn kém, căng thẳng, áp lực, lo lắng. Các trường ĐH sẽ không cần tổ chức thêm một kỳ tuyển chọn nữa nếu kết quả 1 kỳ thi thật sự tin cậy. Nhưng đó cũng không phải là rào cản dẫn đến một thời gian dài (từ năm 2007-2008) đề án không được nhắc đến nữa.
Làm thi rất vất vả và có nhiều rủi ro. Phải có ý chí đổi mới. Khi cử giảng viên đại học tham gia làm công tác thi tốt nghiệp để tăng cường kỷ luật trường thi thì lại vướng một số cơ chế khó tháo gỡ: Nhiệm vụ của giảng viên đại học bị chồng chéo, tiền coi thi của các giảng viên hơn 1 năm mà không giải quyết hết được, các trường đại học không mặn mà lắm vì sản phẩm sau thi chưa phải là của họ.... Sau này việc tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm, tổ chức chấm chéo... đều không có hiệu quả.
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã không còn đường lùi. Vậy ông có đồng tình với đề xuất giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các tỉnh, thay vì giao cho các sở GD-ĐT thì sẽ đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh?
- Thực ra từ trước tới nay, trưởng Ban Chỉ đạo thi thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh là phó Chủ tịch tỉnh, thành phố; Phó Ban Thường trực là các giám đốc sở GD-ĐT. Ban chỉ đạo thi gồm đại diện các sở, ngành của địa phương. Như vậy trách nhiệm của các tỉnh là rõ ràng. Học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 95-98% cũng là một thực tế mà các tỉnh mong muốn và cũng là trách nhiệm của các tỉnh. Đó cũng là động lực để các tỉnh tổ chức việc dạy và học phổ thông thật nghiêm túc.
Quản lý nhà nước không thể phủ hết mọi việc của giáo dục ở 63 tỉnh, thành với hơn 20 triệu học sinh và 1 triệu thầy cô giáo. Việc giao cho các tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, song phải quán triệt trách nhiệm cao hơn cho các tỉnh.
Ảnh Huyền Trang
Có 3 sự lựa chọn: a- Nếu vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì bộ vẫn phải làm đề thi như hiện nay hoặc đề thi có thể lấy tại ngân hàng đề khi đã có ngân hàng đề. Trong trường hợp đó việc tổ chức thi vẫn thực hiện tại các trường THPT một cách bình thường, nhẹ nhàng. Các tỉnh cũng không nhất thiết phải tổ chức cùng một thời gian thi thống nhất. Lấy đề thi từ ngân hàng đề có cái lợi là giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có 1 thang chuẩn mực để nhìn nhận và đánh giá một cách tương đối công bằng nền giáo dục của từng địa phương và cả nước.
b- Cũng có thể giao cho các tỉnh tự ra đề thi theo chuẩn chương trình và mục tiêu giáo dục đã ban hành.
c- Đơn giản hơn nữa thì viêc xét công nhận tốt nghiệp THPT thông qua xét kết quả kiểm tra, đánh giá định kỳ và kết quả kỳ thi kiểm tra chất lượng cuối cấp học của các trường phổ thông. Nhưng việc này phải được Luật Giáo dục cho phép. Tôi nghiêng về phương án cuối cùng hoặc phương án b.
Trách nhiệm của bộ và tỉnh
Cách tổ chức thi thích hợp, cũng như ra đề nên thay đổi như thế nào để khắc phục được những tồn tại đặt ra cho 1 kỳ thi quốc gia?
- Trước mắt muốn sử dụng kết quả của chỉ 1 kỳ thi quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phải phối hợp trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, các tỉnh thành phố và các trường THPT.
Chức năng nên phân ra như sau: Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung và vẫn chịu trách nhiệm tổ chức ra đề khi chưa có ngân hàng đề thi; các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng phương án cụm thi. Nên kế thừa cụm thi đại học đã có.
Cụm thi ở 1 tỉnh không nên quá nhiều và có thể phối hợp một số tỉnh theo vị trí địa lý; các trường đại học cao đẳng chịu trách nhiệm chính về việc sao in đề thi, coi thi và chấm thi theo Quy chế. Các sở GD-ĐT và trường trung học phổ thông phối hợp với các trường ĐH, CĐ để làm việc này.
Các quy trình khác không có gì thay đổi. Các trường ĐH, CĐ xét tuyển bình thường. Các sở GD-ĐT đề xuất phương án điểm tốt nghiệp. Các phần mềm tuyển sinh không có gì thay đổi. Như vậy ai cũng yên tâm với "sản phẩm" của mình.
Làm được thế này thì sẽ phản ánh trung thực kết quả giáo dục. Trước đây tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tập trung tất cả học sinh về TP Huế để thi tốt nghiệp THPT. Bây giờ chỉ cần tăng cường thêm vai trò của các trường đại học, cao đẳng chủ trì sao in đề, coi thi và chấm thi là được.
Là người tâm huyết với giáo dục đào tạo - và ai đó đã gọi ông là "cha đẻ" của thi "ba chung" chắc hẳn ông có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thi và ra đề đảm bảo kiểm tra đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh?
- Đề thi đối với các môn khoa học xã hội nên ra theo hướng mở, tổng hợp kiến thức, sáng tạo, kết hợp đánh giá năng lực của học sinh. Tuy nhiên vẫn phải bám sát chương trình.
Năng lực của học sinh còn phụ thuộc vào sự tích lũy vốn sống và thời gian trải nghiệm trong cuộc sống. Đối với các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật thì đề thi để đánh giá năng lực tổng hợp thường được ra theo phương pháp thi trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Chúng ta cũng đã ra đề thi trắc nghiệm cho một số môn. Thi trắc nghiệm nhưng học sinh cũng phải sáng tạo để giải các đề bài thi thì mới chọn được kết quả đúng. Như vậy lại còn buộc học sinh có cái nhìn thấu suốt, giúp các em có độ chắc chắn trong khi quyết định, kiểm tra được cả sự năng động, xử lý tình huống, kỹ năng của học sinh.
Các nước tiên tiến cũng đều tổ chức thi theo đề thi trắc nghiệm, điển hình là Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp. Kể cả môn toán. Tuy nhiên việc làm được ngân hàng đề cũng phải hết sức công phu. Việc chọn phương án ngẫu nhiên mà các em gọi là "đoán mò" khi thi trắc nghiệm thì chỉ là một sắc xuất đúng rất bé, không tác động đến kết quả bài thi và tổng hợp các môn thi.
Thi trắc nghiệm lại còn ngăn chặn được sự trao đổi, quay cóp khi thi. Tôi chưa hình dung cụ thể được cách xử lý của Ban đề thi và các trường khi ra bài thi và kết quả thi tích hợp.
Trước mắt bài thi tích hợp chỉ phù hợp với quy mô nhỏ để thi tuyển các hệ kỹ sư, cử nhân tài năng, chất lượng cao. Đội ngũ ra đề và chấm thi cũng phải được tuyển chọn kỹ và thống nhất cao. Nếu chia tỷ lệ cứng một cách cơ học cho các môn trong một bài thi thì không còn ý nghĩa "tích hợp" nữa.
Khả năng tổng hợp, sáng tạo hay đánh giá năng lực, kỹ năng của học sinh, thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm, cuối cùng vẫn phải được phản ánh cụ thể qua mức độ nhận thức và kết quả của kiến thức mà học sinh có được để ứng dụng hiệu quả trong việc tiếp tục học tập, trong cuộc sống hay trong hành nghề.
Phải chuẩn bị ngân hàng đề thi đủ lớn...
Đề thi cho kỳ thi quốc gia phải nên tập hợp các trí tuệ và nên chuẩn bị như thế nào để giải quyết những vướng mắc đặt ra?
- Ngân hàng đề thi là chìa khóa đầu tiên của công tác tuyển sinh. Phải chuẩn bị chất lượng ngân hàng đề thi đủ lớn, tiến tới thành lập một số trung tâm khảo thí độc lập đảm nhiệm việc này.
Việc làm ngân hàng đề thi là hết sức công phu. Phải đúng quy trình làm ngân hàng đề. Việc này trước đây cũng đã đề cập và có chuẩn bị nhưng còn coi nhẹ, chưa đầu tư đúng mức và làm chưa bài bản.
Cục Khảo thí đặt hàng cho các chuyên gia giỏi làm đề, tổ chức sàng lọc theo 1 quy trình chuẩn để có ngân hàng đề theo thang chuẩn đánh giá. Khi đã có ngân hàng đề thi rồi thì dù tổ chức kỳ thi thi quốc gia hay giao các trường đại học tự tổ chức thi đều đạt mục tiêu.
Thí sinh dự thi tuyển sinh năm 2014 (Ảnh Lê Huyền)
Các quy trình khác như sao in đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển không có gì thay đổi. Các trường đại học vẫn tổ chức thi như vậy. Nếu các trung tâm khảo thí độc lập đã đủ sức tổ chức thi và cung cấp kết quả tin cậy rồi thì các trường đại học có thể sử dụng kết quả đó, giống như các nước vẫn đang làm.
Mỗi năm Trung tâm khảo thí có thể tổ chức một số đợt thi. Việc này phải có thời gian chuẩn bị trong vài ba năm. Như vậy sẽ rất nhẹ nhàng, không bị áp lực. Khi đã đi tuyển thi hay kể cả chỉ thi kiểm tra thì việc lo lắng của học sinh là đương nhiên, như vậy mới tốt và đúng quy luật của giáo dục.
Cũng cần giữ cho bằng được thành quả của những năm qua là cơ bản đã giải quyết được tình trạng học thêm, luyện thi tràn lan, kỷ cương môi trường thi cử.
Sẽ không loại trừ khả năng các trường ĐH, CĐ sẽ tổ chức thêm các kỳ sát hạch. Ông có đề xuất gì để giảm cồng kềnh, tốn kém?
- Tại sao đã biết tổ chức thêm kỳ sát hạch là tốn kém và cồng kềnh rồi mà vẫn làm? Tại sao không chọn phương án kỳ thi quốc gia tin cậy để tuyển sinh? Các trường mà tự tổ chức thêm kỳ thi sát hạch riêng thì dần dần sẽ có nhiều phát sinh mới rất khó kiểm soát.
Chỉ cần loại bỏ đi những gì không còn phù hợp của kỳ thi quốc gia, làm sao đảm bảo quyền tự chủ của các trường và giữ lại cái ổn định và cái tin cậy của kỳ thi. Đó là cách làm giảm cồng kềnh và tốn kém đơn giản nhất.
Nếu Cục Khảo thí và KĐCL GD không tổ chức ra đề thi nữa khi chưa có ngân hàng đề thi thì nhiều trường sẽ gặp khó khăn. Vậy thì có thể giao cho một trường nào đó làm việc này cho đến lúc có Trung tâm khảo thí độc lập ra đời. Các trường cần dùng kết quả thi đó để tuyển sinh và vẫn đảm bảo độ tin cậy.
Đề án tuyển sinh riêng của các trường cũng phải được chấp nhận và yên tâm về mặt kiểm soát chất lượng tuyển sinh... Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học ở phổ thông thì sẽ được phản ánh trong nội dung đề thi. Đó là cách làm đúng quy luật.
- Cảm ơn ông!
Kiều Oanh(thực hiện) - Nguồn Vietnamnet
- 21/10/2016 07:38 - Bộ GD&ĐT và các trường đại học ủng hộ miền Trung h…
- 09/07/2015 09:11 - Công bố kết quả thi THPT quốc gia trước ngày 25.7
- 26/08/2014 16:14 - Đổi mới tuyển sinh đại học
- 26/08/2014 16:11 - Ước mơ của Xa Thành Luân
- 13/08/2014 14:23 - Đẩy mạnh giáo dục bằng các giải pháp CNTT
- 20/04/2014 10:45 - Bộ bàn ghế gỗ tự nhiên phòng khách